Ở thời điểm hiện tại, trên lãnh thổ đất nước Việt Nam chúng ta có hơn 300 mỏ và điểm quặng sắt, nhưng đa phần đều tập trung ở các tỉnh miền Bắc, trong đó có Thái Nguyên, Cao Bằng và Hà Tĩnh… Trong số các tỉnh nêu trên, thì các mỏ quặng sắt lớn nhất Việt Nam là Thạch Khê và Quý Xa.
Mỏ quặng sắt Thạch Khê – Hà Tĩnh
Mặc dù được mệnh danh là mỏ sắt lớn nhất Việt Nam, nhưng có thể thấy mỏ sắt Thạch Khê vẫn chưa mang lại nhiều thành quả kinh tế cho nước ta, mặc dù đã được phát hiện cách đây hơn nửa thế kỹ.
Mỏ sắt Thạch Khê sở hữu trữ lượng lớn nằm ven biển cách Hà Tĩnh khoảng 7 km. Dựa vào kết quả phân tích hóa học cho ta thấy được rằng, lượng chất trong mỏ sắt gồm có 61.35% Fe, 0.207% Mn, 5.4% SiO2, 1.79% Al2O3, 0.86% CaO, 1.2% MgO, 0.27% TiO2, 0.04% P, 0.148% S.
Theo khảo sát, các chuyên gia nhận định rằng trữ lượng của mỏ Thạch Khê có thể đạt được 544 triệu tấn. Với những công nghệ hiện nay của nước ta, ta có thể khai thác lộ thiên từ mỏ với chiều sâu lên đến 120 m so với mặt nước biển.
Không chỉ là mỏ quặng sắt lớn nhất Việt Nam, mà nó còn có lẽ là mỏ sắt xây dựng lớn nhất Đông Nam Á, trữ lượng của nó chiếm đến phân nửa trữ lượng quặng sắt Việt Nam, với hàm lượng sắt trung bình cho toàn mỏ đạt được 58%.
Mỏ quặng sắt Quý Sa – Lào Cai
Mặc dù không sở hữu con số ấn tượng như mỏ Thạch Khê, nhưng mỏ sắt Quý Sa cũng đạt được trữ lượng trên 120 triệu tấn, trải rộng trên 100 ha tại địa bàn xã Sơn Thủy nằm ở bờ phải sông Hồng thuộc tỉnh Lào Cai.
Dựa vào trữ lượng của mình, mà Quý Sa chính là mỏ sắt lớn thứ hai Việt Nam, theo một số phân tích hóa học thì hàm lượng sắt trong mỏ có kết quả 54 – 55% Fe, 3% Mn, 1.7% SiO2, 1.7 – 3% Al2O3, 0.25% CaO và 0,025% S. Nhờ lượng sắt đạt tỉ lệ cao đẩy mạnh việc sản xuất, đã giúp cho thị trường sắt thép xây dựng trong nước phát triển hơn nữa trong thời buổi kinh tế hiện nay.
Quý Sa có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển của cả ngành sắt thép xây dựng Việt Nam, nó thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn và tốc độ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lào Cai nói riêng, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách và cung cấp việc làm cho hơn 2.000 lao động trên địa phần, góp thêm phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Tình hình các mỏ quặng sắt nước ta
Theo chia sẻ từ các chuyên gia, mỏ và các điểm có quặng sắt ở Việt Nam phân bố khá rải rác, nó được trải dài từ miền Bắc đến miền Trung, dù vậy lượng quặng chất lượng không có nhiều. Nhiều mỏ quặng chỉ thuộc quy mô nhỏ, được đặt tại những vị trí có hạ tầng kém phát triển, giao thông khó khăn nên hiệu quả khai thác không được cao.
Còn hai mỏ quặng có trữ lượng lớn là Thạch Khê và Quý Sa, mặc dù đã có khá nhiều phương án tổ chức khai thác và chế biến, nhưng vì thiếu vốn và do ngành công nghiệp luyện kim của nước ta vẫn chưa phát triển, cả nước chỉ có duy nhất một dây chuyền sản xuất phôi thép từ quặng, vì vậy phần lớn quặng sắt sau khi được khai thác đều được xuất khẩu thông qua nhiều con đường, thậm chí là xuất lậu phạm pháp.
Nhằm nâng cao hơn nữa năng lực sản xuất phôi từ quặng để tăng thêm giá trị của quặng nước ta, đồng thời hạn chế trường hợp xuất lậu quặng sắt – Hiệp hội Thép đã yêu cầu các doanh nghiệp phải nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện chiến lược phát triển đã được Chính phủ phê duyệt.
Hiệp hội Thép cũng đã kiến nghị lên Chính phủ có những hỗ trợ thiết thực để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp luyện thép, đặc biệt là về mặt cơ chế vay vốn ưu đãi, giúp ngành công nghiệp này ở nước ta càng phát triển hơn.